TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ DÂN TỘC – NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ của dân tộc Việt. Nghi lễ truyền thống được tổ chức trang nghiêm, thành kính tại di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Không chỉ là ngày nghỉ hàng năm được mong đợi, ngày giỗ tổ Hùng Vương – mồng 10 tháng 3 âm lịch còn là dịp để những người con đất Việt một lòng hướng về cội nguồn. Chuyến du xuân vừa qua, Mipec M đã có dịp viếng thăm đền Hùng để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng, đồng thời tưởng nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác Cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Qua bài viết này, Mipec M xin gửi tới Quý bạn đọc nguồn gốc và ý nghĩa của truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam – ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/03 âm lịch hàng năm.

  1. Nguồn gốc của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.

Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

  1. Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Hằng năm cứ vào dịp 10/3 âm lịch, mọi người dân trên khắp mọi miền tổ quốc lại cùng nhau hướng về dân tộc, tìm về cội nguồn của mình. Lễ hội là dịp để con Lạc cháu Hồng tìm hiểu và biết ơn công lao to lớn của những người đi trước đã bảo vệ cho đất nước ta như ngày hôm nay.

Vào ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”, đây là một câu thơ đã đi vào tiềm thức của mỗi người con nước Việt. Ngày lễ Giỗ Tổ không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta – mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mipec M thăm Đền Hùng dịp du xuân

  1. Nghi thức tế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Tại Đền Hùng, lễ hội được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang trọng với các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Dưới đây là những hoạt động tiêu biểu diễn ra trong lễ hội Đền Hùng:

  • Lễ rước kiệu: Lễ rước kiệu vô cùng lộng lẫy, gồm cỗ kiệu sơn son thếp vàng, cờ hoa, ô lọng. Các thành viên trong đoàn mặc trang phục truyền thống chỉnh tề, chân đi hài cao, đầu đội khăn xếp. Đoàn rước xuất phát từ chân núi, đi qua các đền và dừng lại tại đền Thượng làm lễ dâng hương.
  • Lễ dâng hương đền Thượng: Các vị chức sắc trong làng thực hiện nghi lễ cúng bái và dâng lễ vật gồm: bánh chưng, bánh giầy, thịt lợn, bò, dê,… Ngoài ra, vào mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, người dân khắp nơi trong cả nước nô nức về đất tổ và đến dâng hương tại đền Thượng để tỏ lòng thành kính với các vị vua Hùng.
  • Trò chơi, văn nghệ dân gian: Khuôn khổ lễ hội Đền Hùng còn tổ chức nhiều hoạt động dân gian đặc sắc như: cuộc thi hát xoan (hát ghẹo), thi đấu vật, kéo co, thi bơi trải, hội thi bánh chưng, bánh giầy,…

Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được diễn ra trang nghiêm, long trọng.

 

Nguồn bài viết: Sưu tầm.

02462788999